"Nếu muốn tham gia vào cuộc cách mạng đường sắt cao tốc,ọngđườngsắtcaotốcdangdởcủlgbt là gì chúng ta cần bắt đầu lập kế hoạch ngay bây giờ", thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố năm 2013, khi công bố HS2, mạng lưới đường sắt cao tốc quy mô lớn đầu tiên của quốc gia, nối trung tâm London với các thành phố phía bắc như Manchester và Leeds.
Một thập kỷ sau, dự án mang tính "cách mạng" này lâm vào cảnh đình trệ. Hàng tỷ USD đã được chi, nhưng tham vọng HS2 đối mặt nguy cơ thất bại, khi chính phủ Anh chuẩn bị đợt cắt giảm quy mô lần thứ hai với dự án hạ tầng siêu lớn này.
"HS2 được quản lý cực kỳ tệ. Nó là nỗi hổ thẹn của quốc gia", William Hague, cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ, người giữ chức ngoại trưởng Anh dưới thời ông Cameron, nói.
Ngay từ khi khởi công, dự án HS2 đã đối mặt với tình trạng chậm tiến độ, đội vốn. Chi phí nhanh chóng tăng từ 45 tỷ USD lên gần 60 tỷ USD và hiện được cho là gần chạm mốc 120 tỷ USD.
Trước tình trạng đội vốn, thủ tướng Boris Johnson năm 2021 đã bỏ tuyến phía đông kết nối Leeds và Sheffield, nhằm hoàn thành phần còn lại của dự án. Trong đợt cắt giảm mới, Anh dự kiến bỏ hoặc trì hoãn chặng phía tây, nối Birmingham và Manchester.
Chặng phía nam nối với London cũng đứng trước nguy cơ kết thúc tại cảng cạn Old Oak Common ở ngoại ô tây bắc, cách trung tâm thủ đô 10 km, thay vì đến Euston. Nếu tuyến này bị hủy, hành khách đi từ Birmingham sẽ phải xuống tàu ở ngoại ô London và tiếp tục bắt tàu địa phương nếu muốn vào trung tâm thành phố, khiến thời gian di chuyển bị kéo dài.
Kết quả là "tuyến đường sắt cao tốc mới trị giá hàng tỷ USD sẽ đưa hành khách từ Birmingham đến trung tâm London chậm hơn những phương tiện khác", Paul Johnson, giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính Anh, nhận định.
"Việc ga cuối nằm tại Old Oak Common gần như khiến HS2 trở thành tuyến đường sắt không dẫn tới đâu", một quan chức cấp cao giấu tên trong chính phủ Anh nói.
Chi phí ban đầu của HS2 đã cao gấp nhiều lần các tuyến đường sắt cao tốc khác ở châu Âu. Mỗi km đường sắt trong dự án này đắt gấp đôi so với tuyến Naples-Bari ở miền nam Italy, gấp 3,7 lần so với tuyến Tours-Bordeaux của Pháp.
Giữa làn sóng chỉ trích, Thủ tướng Anh Rishi Sunak dường như đang thể hiện bản thân là một lãnh đạo sẵn sàng đối đầu các vấn đề mà những chính trị gia khác phớt lờ. Ông đổ lỗi cho các nhà điều hành nhận thù lao cao chót vót, trong khi dự án không đi đến đâu.
Nhưng theo một số quan chức Anh, sự thất bại của HS2 thể hiện những vấn đề sâu sắc hơn về quan điểm xây dựng hạ tầng của nước này.
Sam Dumitriu, trưởng bộ phận chính sách tại Britain Remade, cho rằng chi phí cao và mức độ phức tạp của HS2 là do sự thất thường trong hệ thống quy hoạch của London, vốn "được thiết kế để bảo vệ tối đa vùng nông thôn". Ông chỉ ra rằng hồ sơ đề xuất xây cầu vượt mới qua sông Thames dày tới 60.000 trang, với chi phí xây dựng lên tới 312 triệu USD.
Quá trình quy hoạch HS2 cũng gặp nhiều khó khăn trước sự phản đối của dân địa phương dọc tuyến, do dự án đi qua những vùng nông thôn yên tĩnh nhất miền nam nước Anh.
Điều này thúc đẩy các nghị sĩ đại diện cho những vùng đó đấu tranh quyết liệt để buộc dự án phải đi ngầm tại những khu vực này, khiến chi phí tăng cao so với dự kiến.
Thủ tướng Sunak đã đề xuất xem xét lại toàn diện khâu quy hoạch dự án, dù nhiều nỗ lực tương tự của các đời thủ tướng trước đây không thành công do vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ địa phương.
Esther Webber, phóng viên thường trú tại Anh của Politico, cho rằng nếu Thủ tướng Sunak thành công trong nỗ lực cải cách "cuộc cách mạng" đường sắt cao tốc dang dở này, đó sẽ là "một bình minh mới đối với nền chính trị Anh". Nhưng hiện tại, dường như bất kỳ nỗ lực điều chỉnh mới nào với HS2 cũng sẽ phải chờ đến sau cuộc bầu cử tiếp theo.
Đức Trung (Theo Politico)